Kiểm soát Đại_dịch_COVID-19_tại_Việt_Nam

Tại Việt Nam, đeo khẩu trang được xem là một trong những biện pháp phòng dịch tích cực, thêm vào đó là thường xuyên rửa tay.

Xuất nhập cảnh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các biện pháp ngăn chặn và chống lại sự lây lan của bệnh sang Việt Nam, cũng như cảnh báo công dân Việt Nam tránh đến các khu vực có dịch.[38] Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói rằng Việt Nam đã cân nhắc việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc như là một biện pháp đối phó cần thiết. Từ ngày 23 tháng 1, Saigon Tourist thông báo rằng họ đã hủy bỏ tất cả các tour du lịch đến hoặc quá cảnh ở Vũ Hán.[39] Ngày 24 tháng 1, Cục hàng không dân dụng Việt Nam đã ra lệnh hủy bỏ tất cả các chuyến bay đến và từ Vũ Hán.[40] Khi có ổ dịch lớn trên địa bàn, Vĩnh Phúc đã thắt chặt công tác giám sát, lập các chốt kiểm soát nhằm ngăn chặn dịch.[41] Ngày 13 tháng 2, Quảng Ninh không cấp phép cập cảng cho tàu du lịch AIDAvita vì những lo ngại về tình hình dịch bệnh nhưng sau đó tỉnh đã bị nhắc nhở, yêu cầu chấn chỉnh do sự việc ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và thu hút du lịch nhiều hơn là nguy cơ dịch bệnh.[42] Tại buổi họp báo ngày 25 tháng 2 diễn ra tại Trung tâm báo chí Thành phố Hồ Chí Minh, Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông Thi đua và Khen Thưởng (Bộ Y tế), Vũ Mạnh Cường khẳng định Việt Nam công khai, minh bạch và không giấu dịch.[43][44] Theo cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 sáng 11 tháng 3, Việt Nam đơn phương tạm ngừng miễn thị thực với công dân 8 nước châu Âu: Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Đức, Pháp và Tây Ban Nha từ 0 giờ ngày 12 tháng 3 năm 2020[45] và thúc đẩy việc sử dụng khẩu trang với hành khách di chuyển bằng đường hàng không.[46]

Chống dịch như chống giặc. Các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, phải bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân, không để dịch lây lan, hạn chế tối đa trường hợp tử vong. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.
— Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phát biểu tại cuộc họp về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) (ngày 27 tháng 1 năm 2020).[47]

Sáng 14 tháng 3, Bộ Ngoại giao thông báo Chính phủ quyết định tạm ngừng nhập cảnh trong thời hạn 30 ngày kể từ 12 giờ ngày 15 tháng 3 năm 2020 đối với người đến từ hoặc đã đi qua các nước thuộc khu vực Schengen và Vương quốc Anh và Bắc Ireland (Anh Quốc) trong vòng 14 ngày trước ngày dự kiến đến Việt Nam; tạm dừng việc cấp thị thực tại cửa khẩu.[48][49] Từ 15 tháng 3, Vietnam Airlines ngừng chuyên chở hành khách trên các chuyến bay từ Luân Đôn, Paris, Frankfurt tới Việt Nam. Từ 25 tháng 3, hãng sẽ giảm 14 chuyến bay mỗi tuần của các đường bay giữa TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và ba địa điểm trên.[50] Ngày 17 tháng 3 năm 2020, Văn phòng Chính phủ ra thông báo 102/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, việc tạm ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam bị triển khai trong khoảng thời gian 30 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 18 tháng 3 năm 2020.[51][52][53][54][55] Trong khoảng thời gian từ ngày 25 tháng 3 đến hết 31 tháng 3 năm 2020, các hãng hàng không dừng chuyển người Việt về sân bay Tân Sơn Nhất do các khu cách ly tại Thành phố Hồ Chí Minh đang rơi vào tình trạng quá tải.[56] Lượng người cách ly tại các địa phương cũng tăng trong những ngày cuối tháng ba.[57] Tương tự, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng không ngừng vận chuyển công dân Việt Nam trên các chuyến bay quốc tế về sân bay Nội Bài. Thay vào đó, các chuyến bay sẽ hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn.[58] Các cửa khẩu đường bộ tiếp giáp Lào, Campuchia, Trung Quốc cũng bị thắt chặt, tăng cường nhân lực ứng phó.[59][60][61]

Từ ngày 1 tháng 9, Việt Nam triển khai thu phí cách ly với tất cả các trường hợp nhập cảnh.[62]

Khai báo y tế

Khai báo y tế tại Ga Sài Gòn.

Từ ngày 7 tháng 3, du khách bắt buộc phải khai báo y tế khi nhập cảnh Việt Nam.[63] Từ ngày 10 tháng 3 năm 2020, Việt Nam thực hiện khai báo sức khỏe toàn dân để kiểm soát dịch bệnh một cách tổng thể. Thông tin khai báo bị quản lý chặt, chỉ phục vụ chống dịch, không dùng vào mục đích khác.[64][65][66] Từ ngày 21 tháng 3 năm 2020, hành khách di chuyển bằng tàu hỏa, máy bay, xe khách trong nước phải khai báo y tế điện tử.[67]

Diễn tập

Với sự khiêm tốn của người Việt, chúng tôi ít nói đến điều này, nhưng đến nay có thể đánh giá Việt Nam đã kiểm soát được dịch.
— Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, phát biểu tại Hội nghị Trực tuyến phòng, chống dịch COVID-19 (ngày 25 tháng 2 năm 2020).[68]

Ngày 4 tháng 3, dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Ngô Xuân Lịch và Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Vũ Đức Đam, một buổi diễn tập phòng, chống dịch bệnh với quy mô chưa từng có đã diễn ra trong toàn quân. Quân đội đã xây dựng tình huống diễn tập theo 5 cấp độ diễn biến dịch khác nhau. Trong đó, ở cấp độ thứ năm, các đơn vị đã tính đến phương án Việt Nam có từ 3.000 đến 30.000 ca nhiễm và dịch lan vào một vài đơn vị của quân đội. Sau hơn 2 giờ thực hành, cuộc diễn tập phòng, chống dịch của quân đội được đánh giá đạt yêu cầu đề ra. Qua buổi diễn tập, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tinh thần "không được chủ quan, lơ là", phải "lường trước nhiều khả năng biến động tiêu cực của dịch để có giải pháp ứng phó thích hợp".[69]

Các biện pháp xã hội

Chúng ta phải kiểm soát được dịch bệnh, chung sống an toàn, điều chỉnh tích cực. Làm được như vậy nhất định chúng ta sẽ chống dịch thành công, vẫn phát triển được kinh tế - xã hội trong điều kiện có dịch bệnh, đồng thời thúc đẩy những sự thay đổi, sự điều chỉnh tích cực nhanh hơn theo hướng đúng đắn. Tôi mong rằng các bộ ngành, địa phương cùng nhau thống nhất hành động. Mặc dù còn vất vả nhưng chắc chắn chúng ta sẽ thành công.
— Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 với 63 tỉnh thành (Ngày 17 tháng 4 năm 2020).[70]
Theo Bộ Y tế, mỗi cá nhân nên áp dụng 10 biện pháp trên đây để phòng ngừa COVID-19

Các hoạt động tập trung đông người tại các địa phương bị hạn chế, đồng thời một số nơi thực hiện đo thân nhiệt, trang bị chất sát khuẩn, phát khẩu trang miễn phí, siết chặt kiểm soát nhằm giảm thiểu rủi ro lây nhiễm trong cộng đồng như lập các chốt chặn giao thông ở cửa ngõ của mỗi tỉnh; đóng cửa các hàng quán; thiết lập buồng khử khuẩn;[71] lập tổ chống dịch.[92][93] Một số nơi thực hiện khử trùng hoặc hạn chế việc đi lại của người dân.[94] Những chuyến bay đón công dân từ các vùng dịch về nước đã bị thực hiện.[95] Việc di chuyển giữa các tỉnh thành bị kiểm soát chặt chẽ.[96] Theo chỉ đạo của Thủ tướng, để chủ động phòng, chống dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng, từ ngày 16 tháng 3 năm 2020, người dân phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người như tại siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng..., đồng thời giao 2 bộ Công thương và Y tế chỉ đạo bảo đảm sản xuất, cung ứng khẩu trang bảo đảm chất lượng đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân.[97][98] Theo PGS. TS.BS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh của Bộ Y tế, mọi bệnh viện vô cảm, thờ ơ với hoạt động chống dịch sẽ bị đóng cửa.[99] Chiều ngày 25 tháng 3 năm 2020, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ra lệnh đóng cửa mọi hàng quán cho đến ngày 5 tháng 4 năm 2020, trừ hàng thiết yếu như xăng dầu, thực phẩm.[100][101][102][103][104][105][106] Trước đó một ngày, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có công văn yêu cầu đóng cửa các cơ sở kinh doanh ăn uống trên 30 người, cơ sở làm đẹp, phòng gym,...[107][108]

Sáng 26 tháng 3 năm 2020, tại phiên họp thường kỳ 2 lần/tuần của Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu "dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo", khẳng định sẽ xử lý nghiêm chính quyền địa phương nếu để xảy ra việc tập trung quá 20 người, đồng thời tạm dừng các dịch vụ ăn uống, tụ điểm vui chơi,...[109][110] Riêng 5 thành phố trực thuộc trung ương cần đóng cửa toàn bộ cơ sở cung cấp dịch vụ, trừ dịch vụ cung cấp thực phẩm, dược phẩm, các cơ sở khám chữa bệnh. Bộ GTVT chỉ đạo hạn chế các chuyến bay nội địa từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Từ 0 giờ ngày 28 tháng 3 năm 2020, các địa phương có trách nhiệm quản lý đối với người dân từ các thành phố, khu vực đang có dịch như đi từ vùng dịch.[111][112][113][114][115][116] Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 chiều 26 tháng 3, Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị UNBD thành phố này ra chỉ thị buộc người dân phải dùng khẩu trang khi ra đường, kể từ ngày 27 tháng 3.[117] Thêm vào đó, xe buýt nội thành, ôtô khách liên tỉnh tại đây sẽ ngừng hoạt động trong 2 tuần, bắt đầu từ 18 giờ ngày 27 tháng 3 năm 2020.[118][119][120] Cùng ngày, Hà Nội bắt đầu giảm 80% chuyến xe buýt (khoảng 12.400 lượt/ngày), kéo dài cho đến ngày 5 tháng 4 và tiếp tục tuỳ theo tình hình dịch bệnh.[121][122]

Rạp CGV tại Times City, Hà Nội tạm thời đóng cửa

Ngày 27 tháng 3 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg, trong đó chấp nhận thiệt hại kinh tế, nêu rõ bảo vệ sức khoẻ công dân là ưu tiên hàng đầu; dừng việc tụ tập đông người, trên 20 người 1 phòng, trên 10 người ở nơi công cộng; thiết lập khoảng cách 2 mét giữa người với người nơi công cộng; mọi hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, tôn giáo đều tạm ngừng; các cơ sở kinh doanh trừ việc kinh doanh các loại hàng hóa thiết yếu đều bị đình chỉ; người dân được khuyến cáo hạn chế di chuyển, nhất là từ nơi có dịch; việc nhập cảnh phải được kiểm soát chặt chẽ và các lực lượng tuyến đầu chống dịch phải được đảm bảo an toàn. Chỉ thị cũng yêu cầu các Bộ Thông tin - Truyền thông và Y tế liên tục thông tin đầy đủ, kịp thời, minh bạch; xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ biện pháp cách ly.[123][124][125][126][127][128]

Một khu cách ly tập trung tại Việt Nam

Ngày 28 tháng 3, trong cuộc họp trực tuyến với Thành phố Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai và các chuyên gia, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh việc tập trung lực lượng, kiên quyết dập ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai,[129] đồng thời nhấn mạnh việc dập dịch tại đây "là nhiệm vụ rất quan trọng trong những ngày tới". Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã nhận định rằng Bệnh viện Bạch Mai là một ổ dịch.[130][131] Toàn bộ 18 nghìn người từng đến bệnh viện này khám bệnh kể từ ngày 12 tháng 3 được nhắn tin yêu cầu thực hiện cách ly.[132] Từ 0 giờ cùng ngày, Thành phố Hồ Chí Minh dừng mọi hoạt động tham quan, du lịch.[133] Vào ngày 29 tháng 3, Thứ trưởng Tài chính, Đỗ Hoàng Anh Tuấn, dựa theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ, đã kiến nghị tạm dừng hoạt động kinh doanh xổ số kiến thiết, dịch vụ trò chơi có thưởng, casino.[123][124][125][126] Nguyễn Xuân Phúc sau đó đồng ý với kiến nghị này, song cho rằng: "Vấn đề quan trọng là giải quyết an sinh cho người nghèo thế nào, thì phải bàn".[134][135] Ngày 30 tháng 3, Thủ tướng Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống COVID-19 đã đồng ý sẽ công bố dịch trên toàn quốc; yêu cầu dừng vận chuyển công cộng và hạn chế phương tiện cá nhân; nhấn mạnh yêu cầu dập các ổ dịch, đồng thời nêu cao tinh thần chống dịch "tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó và nhà nào ở nhà đó".[136] Chính phủ cũng cho phép Bệnh viện Bạch Mai được tiếp tục nhận các ca bệnh nặng.[137] Cũng trong buổi chiều cùng ngày, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đưa ra lời kêu gọi cả nước đoàn kết chống dịch.[138] Từ ngày 31 tháng 3, Hà Nội triển khai 10 trạm xét nghiệm, sử dụng bộ test nhanh của Hàn Quốc.[139][140] Sẽ có trạm xét nghiệm nhanh ở toàn bộ 30 quận, huyện toàn thành phố theo kế hoạch.[141][142]

...Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh.
— Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trích Lời kêu gọi đoàn kết để chiến thắng đại dịch COVID-19 (ngày 30 tháng 3 năm 2020).[138][143]

Cách ly xã hội

...Tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, khu phố nào ở khu phố đó, nhà nào ở nhà đó ít nhất trong vòng 15 ngày để tránh lây nhiễm.
— Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố giãn cách xã hội trên toàn quốc (ngày 30 tháng 3 năm 2020).[144]

Ngày 31 tháng 3 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 1 tháng 4 năm 2020 trên phạm vi toàn quốc, bị xem là một biện pháp cao hơn để phòng chống dịch bệnh nhưng không phải là phong tỏa toàn quốc.[18][145][146] Chỉ thị này yêu cầu mọi người ở nhà, chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết như mua thực phẩm, thuốc men, cấp cứu. Trong khi đó, các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu vẫn được hoạt động, các trường hợp khẩn cấp khác đều tạm dừng; thực hiện nghiêm chỉnh việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.[147][148] Chiều ngày 3 tháng 4 năm 2020, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử phạt người ra đường không có lí do chính đáng; tiếp tục đề nghị người dân trên địa bàn ở nhà.[149][150][151][152][153][154]

Một số cửa hàng, quán xá đóng cửa sau khi lệnh cách ly xã hội của chính phủ được ban bố

Nhằm triển khai chỉ thị của Thủ tướng, một số tỉnh thành trên cả nước đã đóng cửa các công trình công cộng, lập các tổ công tác liên tục đi tuần tra, tuyên truyền và nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp chống dịch.[155][156] Tuy nhiên, ở một số địa phương như Quảng Ninh,[157][158] Thái Bình[159][160][161][162][163] đã xảy ra tình trạng "cực đoan", thực hiện sai chỉ đạo, làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, lưu thông hàng hoá.[164][165][166][167][168] Tối ngày 3 tháng 4 năm 2020, Chính phủ bãi bỏ biện pháp dừng, ngăn cấm người và phương tiện qua lại vì thực hiện không đúng "cách ly xã hội".[169][170][171] Trong thời gian cách ly, siêu thị, chợ dân sinh vẫn tiếp tục hoạt động, bổ sung các điểm bán hàng lưu động, dã chiến. Nhà nước thực hiện việc điều phối, vận chuyển hàng hóa thiết yếu từ kho dự trữ để cung cấp cho các địa điểm trong trường hợp phong tỏa hoặc giới nghiêm.[172] Mặc dù hầu hết các loại xe đều bị tạm ngưng, các loại xe công vụ, thiết yếu, xe máy hai bánh và việc giao hàng bằng xe máy vẫn được phép hoạt động.[173] Đường bay giữa Hà Nội và TP. HCM giảm xuống còn 2 chuyến khứ hồi mỗi ngày, tất cả đường bay khác đều bị tạm ngưng. Toàn bộ tàu khách địa phương cũng bị dừng và không đưa người ra các đảo.[174]

Từ ngày 28 tháng 7 đến ngày 4 tháng 9, Thành phố Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội.[22][23] Từ ngày 12 tháng 8, Đà Nẵng phát thẻ cho người dân đi chợ theo ngày chẵn - lẻ nhằm thực hiện phương án phân chia tần suất đi chợ cho người dân trên toàn địa toàn.[175]

Ngày 26 tháng 3, Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi công văn tới các cơ sở đào tạo đại học, Sở GD và ĐT tất cả tỉnh thành thực hiện việc khai báo y tế tự nguyện cho 2,4 triệu học sinh, sinh viên và 1,5 triệu giáo viên trên toàn quốc.[176] Từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đình chỉ tất cả hoạt động của các trường học trên toàn quốc [177] và đã di dời lịch năm học và kỳ thi THPT quốc gia để hạn chế sự lây lan của virus.[178]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đại_dịch_COVID-19_tại_Việt_Nam http://archive.fo/sHlMM http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200307-vir... http://www.asianews.it/news-en/UN-warns-that-COVID... http://web.archive.org/web/20200404092854/https://... http://web.archive.org/web/20200404093109/https://... http://web.archive.org/web/20200404093325/https://... http://web.archive.org/web/20200404093529/https://... http://web.archive.org/web/20200404093600/https://... http://web.archive.org/web/20200404093826/https://... http://web.archive.org/web/20200404093920/https://...